Công thức khẩu phần ăn nuôi gà

Nuôi gà thả vườn mỗi khi cần cho ăn, ta chỉ cần vốc ít nắm lúa hoặc bắp, gạo, thậm chí cơm nguội rải ra sân cho bầy gà bu lại giành ăn, coi như xong bữa. Thế nhưng, nuôi gà công nghiệp, nuôi nhốt một chỗ trong chuồng, cả ngày chúng không thể tìm được thức gì ăn ngoài khẩu phần ăn của chủ nuôi cung cấp.

Nếu khẩu phần ăn đó đủ chất bổ dưỡng với tỷ lệ pha trộn hợp lý giữa các chất đạm, bột đường, chất béo, khoáng chất, vitamin thì gà sẽ sinh trưởng tốt, khỏe mạnh, lớn nhanh, đẻ sai, trứng lớn.

Ngược lại, nếu khẩu phần ăn pha trộn cẩu thả, được chất này thiếu chất khác, thứ quá thừa thứ lại quá thiếu thì gà ăn vào sẽ bị ốm đau, bệnh tật, trống mái sinh sản đều không tốt.

Điều đó cho ta thấy, nuôi gà công nghiệp phải thường xuyên theo dõi sức khỏe của gà qua từng giai đoạn phát triển ra sao để theo đó mà tính khẩu phần ăn nuôi chúng cho hợp lý, cho có lợi. Vì gà có khỏe mạnh, chóng lớn, đẻ sai thì chủ nuôi mới thu được nhiều lời.

Nuôi gà công nghiệp ta cần biết nhu cầu về chât đạm và chất bột đường của gà ra sao để cho chúng ăn đúng mức.

12965999_1019130311494090_1760438820_n

Nhu cầu về chất đạm trong khẩu phần gà được tính như sau:

  • Gà vài ba tuần tuổi: từ 19 đến 21 phần trăm
  • Gà giò: 18 phần trăm
  • Gà đẻ: từ 16 đến 17 phần trăm
  • Gà thịt: từ 12 đến 15 phần trăm

(Xin được lưu ý: khẩu phần ăn của gà có tỷ lệ đạm quá cao sẽ có hại cho sức khỏe của gà, có thể giết chết nó. Nhưng, nếu thức ăn có tỷ lệ đạm thấp, gà sẽ ốm yếu, bệnh tật, tăng trưởng chậm).

Nhu cầu về chất bột đường trong khẩu phần ăn của gà được tính như sau:

  • Gà vài ba tuần tuổi: từ 40 đến 45 phần trăm
  • Gà giò: từ 50 đến 55 phần trăm
  • Gà trưởng thành: từ 54 đến 60 phần trăm
  • Gà đẻ: từ 50 đến 55 phần trăm
  • Gà thịt: từ 60 đến 65 phần trăm

Xin được lưu ý thêm là tỷ lệ chất bột đường trong khẩu phần ăn của gà cần phải tính toán cho hợp lý: nếu thiếu sẽ không cung cấp đủ nhiệt lượng cho gà khiến gà còi cọc, chậm lớn. Ngược lại nếu tỷ lệ chất bột đường dư thừa thì sẽ sinh ra lớp mỡ dự trữ khiến gà bị mập. Như vậy nuôi gà thịt thì có lợi, còn gà mái đẻ thì nân, trống cũng giảm khả năng đạp mái.

Tính khẩu phần thức ăn nuôi gà

Đến đây, chúng ta đã biết đến thành phần các chất cần thiết trong khẩu phần ăn của gà gồm có những gì, và nguyên liệu để pha chế gồm có những gì. Đồng thời cũng nắm rõ nhu cầu ăn uống của gà ra sao từng giai đoạn phát triển tốt. Từ đó, ta có thể tự tìm ra một công thức về khẩu phần ăn thích hợp đối với từng loại gà.

Nên tự khắt khe với chính mình trong việc chọn lựa một công thức về khẩu phần hợp lý nhất, bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi, rồi sau đó tự tìm lấy cây trả lời. Chẳng hạn:

  • Liệu chất đạm trong công thức có thiếu không?
  • Liệu chất bột đường có dư thừa lắm không?
  • Có tăng thêm khoáng chất cho gà con không?
  • Có nên bớt cám thay tấm?

Khi có sự cân nhắc, đắn đo, ta có thể dễ dàng tìm được cho mình công thức thích nghi đển nuôi gà. Farmvina xin đơn cử vài ví dụ:

Công thức khẩu phần ăn cho gà con:

  • Bột bắp: 30%
  • Cám gạo: 20%
  • Tấm gạo: 14%
  • Bột cá: 14,5%
  • Bánh dầu: 10%
  • Mày đậu xanh: 10%
  • Bột xương: 0,5%
  • Bột xò: 0,5%
  • Muột bọt: 0,5%
  • Tổng: 100%

Công thức khẩu phần ăn cho gà đẻ:

  • Bột bắp: 45%
  • Cám gạo: 20%
  • Bột thịt: 8%
  • Bột cá: 7%
  • Bánh dầu: 10%
  • Bánh dầu dừa: 7%
  • Bột xương: 0,5%
  • Bột sò: 2%
  • Muối bọt: 0,55
  • Tổng: 100%

Công thức khẩu phần ăn cho gà thịt:

  • Bột bắp: 50%
  • Cám gạo: 28%
  • Bột cá: 5%
  • Bánh dầu: 10%
  • Bánh dầu dừa: 5%
  • Bột xương: 0,5%
  • Bột sò: 1%
  • Muối bọt: 0,5%
  • Tổng: 100%

Công thức khẩu phần ăn cho gà giò:

  • Bột bắp: 40%
  • Cám gạo: 20%
  • Tấm gạo: 10%
  • Bột cá: 5%
  • Bột thịt: 5%
  • Bánh dầu 10%
  • Bánh dầu dừa: 8%
  • Bột xương: 1%
  • Vôi chết: 0,5%
  • Muối bọt: 0,5%
  • Tổng: 100%

Khi đã bằng lòng với công thức mà mình đã ưng ý chọn ra, ta dùng cân để cân từng thành phần thực phẩm cho đúng cân lượng, sau đó mới trộn thật đều.

Có điều Farmvina xin lưu ý các bạn là mọi nguyên liệu nên xay nhuyễn thành bột như nhau, tránh trong thức ăn (cám gà) có hột to hột nhỏ.

Vì theo bản tính cố hữu của loài gà, con nào cũng lựa ăn hột to trước, sau đó nếu còn đói mới ăn hột nhỏ, mà thông thường chính những hột nhỏ này mới chứa nhiều chất bổ dưỡng cần thiết cho sự tăng trưởng của gà.

Riêng muối bọt là muối hột rang lên rồi đâm nhuyễn ra (dùng muối iod bán ngoài thị trường cho gà ăn rất tốt).

Việt Chương (Theo Farmvina.com)