TPP: Cửa nào cho ngành chăn nuôi?
Ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trực diện với các nước có nền chăn nuôi phát triển nhất thế giới như Mỹ, Úc, Canada, New Zealand…
Đại diện một công ty sữa ngoại cho biết dù Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đàm phán xong nhưng người tiêu dùng không nên kỳ vọng giá sữa bột dành cho trẻ em sẽ giảm mạnh trong thời gian tới.
Nguy cơ phá sản cao
Theo phân tích của các doanh nghiệp (DN), dù chưa có thông tin chính thức nhưng khi kết thúc đàm phán TPP, đại diện phía New Zealand phát biểu rằng “thất vọng vì thuế nhập khẩu sữa không bị bãi bỏ”, vì thế giá sữa giảm nhờ thuế giảm là không có cơ sở. Ngoài ra, 2 nước có ưu thế về sữa trong TPP là Úc và New Zealand chỉ sản xuất sữa nguyên liệu, chưa phải là thành phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng, giá sữa còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác.
Thiếu lò mổ hiện đại là những điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi của Việt Nam
Các DN sản xuất sữa tươi trong nước càng không phải lo vì họ có ưu thế tuyệt đối là gần thị trường do sữa tươi nhập khẩu sẽ gặp vấn đề về vận chuyển, bao bì, bảo quản.
Tuy nhiên, ông Trần Bảo Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Quốc tế (IDP), cho rằng vấn đề này, các DN ngoại đã có giải pháp. Hiện nhiều tập đoàn lớn đang xây dựng chuỗi cung ứng sữa tươi từ Úc, New Zealand – nơi nguồn sữa chất lượng cao mà giá lại rẻ – sang Việt Nam, Trung Quốc là những thị trường đông dân. Nói nôm na, sữa tươi sẽ được rút bớt nước (chỉ cô lại chứ không làm khô như sữa bột) và bảo quản lạnh để vận chuyển qua các châu lục sau đó đưa vào các nhà máy để chế biến lại. Cách làm này sữa vẫn được thế giới công nhận là sữa tươi và sẽ ảnh hưởng mạnh đến năng lực cạnh tranh của các DN sữa trong nước.
Theo phân tích của ông Trịnh Quốc Dũng, Giám đốc điều hành Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), Việt Nam đã có thỏa thuận mở cửa thị trường nông sản trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN và 2 nước Úc, New Zealand. Theo lộ trình thuế quan, các sản phẩm sữa nhập khẩu từ 2 nước này về Việt Nam có mức thuế 7% năm 2015 giảm còn 0% năm 2018. Về các hình thức bảo hộ kỹ thuật để kiểm soát nhập khẩu cũng không thể áp dụng vì những nước này có điều kiện về vệ sinh an toàn dịch tễ và kiểm soát an toàn thực phẩm tốt hơn Việt Nam.
Do vậy, đến năm 2018, giá nguyên liệu và các sản phẩm sữa sẽ giảm từ 5%-10% so với hiện nay. Đây là rủi ro lớn nhất cho ngành chăn nuôi bò sữa trong nước, nếu không có sự chuẩn bị tốt thì hàng loạt trang trại sẽ phá sản vì không thể cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.
Phải làm lại từ đầu
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, nhận định chưa gia nhập TPP nhưng ngành chăn nuôi đã bị tác động mạnh bởi thịt nhập khẩu. Khi TPP có hiệu lực, thuế về 0% thì ảnh hưởng sẽ mạnh hơn do ngành chăn nuôi trong nước năng suất thấp, giá thành cao và hàng làm ra không xuất khẩu được.
Đối với thịt tươi sống bán cho tiêu dùng thì còn có rào cản tạm thời nhờ người Việt có thói quen thích ăn thịt “nóng” vừa giết mổ, không thích ăn thịt đông lạnh. Giải pháp của Vissan là mở rộng chăn nuôi để chủ động nguyên liệu và hợp tác với các trang trại để kiểm soát chất lượng đầu vào. Quan điểm của Vissan vẫn ưu tiên hàng nội để bảo vệ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, đối với thực phẩm chế biến, trước áp lực cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường, Vissan sẽ phải sử dụng thịt nhập khẩu để bảo đảm hiệu quả kinh tế.
Theo ông Văn Đức Mười, ngành chăn nuôi Việt Nam phải “làm lại từ đầu” từ con giống, kỹ thuật đến vấn đề nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm. “Hiện nay, khâu giết mổ của Việt Nam rất kém nhưng giết mổ công nghiệp hiện đại lại không cạnh tranh nổi với giết mổ thủ công do giá thành cao. Nhà nước cần có chính sách bắt buộc giết mổ tập trung, giết mổ công nghiệp thì mới kiểm soát được các vấn đề nhức nhối hiện nay như chất cấm, thịt nhiễm vi sinh…” – ông Mười nói.
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cũng nhận định ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ bị tổn thương nhiều khi gia nhập TPP. Với các DN lớn, có sự đầu tư thì có thể cạnh tranh được và tiến tới xuất khẩu vì họ đã tiếp cận được công nghệ của thế giới. “Lo nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ không thể cạnh tranh nổi nhưng chắc chắn vẫn phải tồn tại vì đó là sinh kế của hơn 10 triệu hộ dân, cuộc sống của họ đều trông vào đó. Ai cũng biết cần phải liên kết sản xuất theo chuỗi nhưng hiện tại ngành nông nghiệp chưa đưa ra được mô hình phù hợp. Cái khó của mô hình chuỗi là làm sao phân chia lợi nhuận giữa các khâu (từ con giống, thức ăn, chăn nuôi, giết mổ, phân phối) để người chăn nuôi không bị thiệt thòi” – ông Lịch đặt vấn đề.
Bài và ảnh: NGỌC ÁNH (nld.com.vn)