Bước ngoặt thị trường gia cầm Trung Á

Với mục tiêu đánh bật các sản phẩm gia cầm nhập khẩu giá rẻ ra khỏi thị trường nội địa, Trung Á đang vượt qua khó khăn, từng bước thực hiện các chiến lược bảo hộ thị trường, thu hút các dòng vốn đầu tư để phát triển và mở rộng quy mô ngành gia cầm.

Kazakhstan

Cuộc chiến gia cầm đông lạnh với Mỹ

Kazakhstan là một trong những thị trường tiêu thụ gia cầm lớn nhất Trung Á. Theo Mazzim Bozhko – Giám đốc quản lý ngành gia cầm quốc gia, Chính phủ Kazakhstan không chỉ muốn gia tăng sản lượng từ hoạt động nhập khẩu, mà còn có tham vọng đẩy mạnh tăng trưởng nội địa để trở thành nước xuất khẩu. Xuất khẩu khả thi hơn trong bối cảnh tỷ giá được thả nổi. Bởi vậy, ngoài các đối tác truyền thống trong khối Liên minh hải quan và kinh tế Á – Âu, Kazakhstan cũng muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang miền Nam gồm Kyrgyzstan, Tajikistan và Afghanistan.

Kazakhstan là một trong những nước sản xuất ngũ cốc lớn trên thế giới nhưng không xuất khẩu ngũ cốc thô mà dùng để nuôi gia cầm và xuất khẩu trứng, thịt gia cầm sẽ thu giá trị lớn hơn. Tuy nhiên, các nhà sản xuất gia cầm nội địa đang gồng mình cạnh tranh với các sản phẩm đông lạnh nhập khẩu từ Mỹ. Sự cạnh tranh dường như càng gay gắt hơn khi Kazakhstan gia nhập WTO. Sự kiện này khiến Kazakhstan phải tăng hạn ngạch nhập khẩu thịt gà Mỹ từ 120.000 tấn năm ngoái lên 140.000 tấn năm 2016. Với những nhà sản xuất gia cầm nội địa, đây quả là trở ngại lớn. Thịt đông lạnh giá 1 USD/kg trong khi chi phí sản xuất gia cầm tại Kazakhstan 2 – 3 USD/kg. Điều duy nhất các nhà sản xuất có thể làm đó là thuyết phục người tiêu dùng trong nước không ăn thịt gà đông lạnh nhập khẩu do chất lượng kém và hàm lượng nước cao hơn 30 – 50% so với thịt gà nội địa.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Kazakhstan, Ruslan Shapirov, ngành gia cầm đã được cải thiện theo chiều hướng tích cực khi Nga cấm chuyển tải nhập khẩu sản phẩm gia cầm Mỹ qua vùng lãnh thổ của Nga. Điều này khiến chi phí vận chuyển tăng cao, làm gia cầm Mỹ cạnh tranh kém hơn. Cụ thể, sản lượng gia cầm nội địa sẽ tăng và hạn ngạch nhập khẩu từ Mỹ sẽ giảm 10.000 – 20.000 tấn/năm. Tới năm 2025, Kazakhstan có thể tự chủ được nguồn cung gia cầm cho cả nước, với mức sản lượng ước tính tăng gấp đôi lên 270.000 tấn.

bước ngoặt thị trường gia cầm trung á - chăn nuôi

Nhiều nước châu Á miễn thuế nhập khẩu giống gia cầm cho các doanh nghiệp – Ảnh: International poultry

 

Kyrgyzstan

Chống chọi thuế chống bán phá giá của Nga

Kyrgyzstan chuộng thịt bò và cừu. Dân số gần 6 triệu người và chỉ tiêu thụ 360.000 tấn thịt, trong đó có 67.000 tấn thịt gia cầm. Sản xuất gia cầm nội địa tăng nhẹ trên 7.000 tấn, trong khi đó sản lượng trứng đạt 430 triệu quả/năm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Kyrgyzstan, khủng hoảng kinh tế đã tác động xấu tới ngành gia cầm nội địa. Cả nước chỉ có 7 trại nuôi gia cầm nhưng 1 trại vừa phải ngừng hoạt động. Cả ngành công nghiệp này đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì không thể cạnh tranh được với sản phẩm nhập khẩu giá rẻ từ Nga và Kazakhstan.

 

Uzbekistan

Đẩy mạnh tiêu thụ

76% trang trại tại nước này nuôi gia súc và các loài nhai lại. Theo Pulat Rahmatulaev, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Pulat Rahmatulaev, nước này có thể đáp ứng khoảng 80% thịt gia cầm và 100% trứng gia cầm. 8 tháng đầu năm, Uzbekistan sản xuất 55 triệu đầu gia cầm, 100.000 tấn gà thịt và 8,5 tỷ quả trứng mỗi năm.

Tốc độ tăng trưởng ngành gia cầm trong năm 2015 vượt 7,6% so năm 2014 nhờ Chính phủ nỗ lực thực hiện cải cách từ năm 2012 thông qua việc miễn nhiều khoản thuế cho người chăn nuôi và doanh nghiệp. Nhiều công ty không phải trả thuế nhập khẩu gia cầm giống, máy móc chế biến và thức ăn tổng hợp, vitamin hoặc các thiết bị dịch vụ ngành gia cầm. Dự tính tới 2020, quy mô thị trường gia cầm sẽ tăng lên 175.000 tấn.

Tajikistan

Bắt đầu với trại quy mô nhỏ

Một thực tế đáng lo ngại và cản trở sự phát triển của ngành gia cầm tại Tajikistan đó là 30% dân số không đủ sức mua thịt gà. Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất gia cầm, Mashokira Nazarov cho biết, khối lượng gia cầm tiêu thụ tại quốc gia này ở mức thấp nhất thế giới.

Tuy nhiên, Chính phủ Tajikistan đang đặt mục tiêu tăng sản lượng ngành bằng cách xóa bỏ thuế VAT và thuế nhập khẩu thức ăn, con giống, thiết bị ngành gia cầm. Điều này sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngành gia cầm nội địa, từ đó sản phẩm thịt và trứng gia cầm sẽ phù hợp với khả năng chi trả của người dân.

Turkmenistan

Tập trung sản xuất trứng gia cầm

Turkmenistan là quốc gia có ngành thịt yếu kém nhất trong khu vực do sức mua thấp, môi trường đầu tư nghèo nàn. Những nhà đầu tư tiềm năng đều lo sợ sự bất ổn của hệ thống luật pháp có thể đóng cửa trại gia cầm của họ bất cứ khi nào.

Tuy vậy, năm 2015, sản lượng thịt và trứng gia cầm tăng nhanh. Hiệp hội Chăn nuôi quốc gia cho biết sản lượng năm ngoái đạt 14.300 tấn thịt, cao gấp đôi sản lượng 2014. Trong đó, sản lượng thịt gia cầm tăng ¼, xấp xỉ 3.800 tấn. Số đầu gia cầm đã tăng lên 20 triệu, gấp 7 lần số lượng năm 2014 nhờ sự mở cửa 2 trang trại ở tỉnh Balkan. Trang trại này tập trung nuôi 50.000 gà mái đẻ trứng và một trại ở tỉnh Bayramali, sản xuất 8 triệu trứng gà và 1.000 tấn thịt.

Hiện, Nga đang tìm cách tăng thị phần tại Kyrgyzstan, nhằm đánh bật đối thủ Trung Quốc và chiếm thị phần của các nhà sản xuất nội địa. Ngành gia cầm trong nước khó cạnh tranh với Nga do thiếu nguồn thức ăn chăn nuôi. Người nuôi gia cầm tại Kyrgyzstan phải nhập khẩu thức ăn khắp nơi trên thế giới nên chi phí sản xuất cũng chịu tác động tiêu cực. Nếu không giải quyết được vấn đề TĂCN, chắc chắn ngành gia cầm nước này sẽ khó trụ vững.

*Kazakhstan: Dân số 17 triệu người. Tiêu thụ gia cầm bình quân theo đầu người năm 2015 là 53 kg; tổng quy mô thị trường 320.000 tấn. Sản lượng trứng 3,6 tỷ quả, đáp ứng 95% nhu cầu nội địa. Sản lượng thịt gia cầm 140.000 tấn/năm, nhập khẩu gia cầm chủ yếu từ Mỹ (135.000 tấn) và Nga (25.000 tấn).

* Uzbekistan: Dân số 30 triệu người. Tiêu thụ nội địa khoảng 115.000 tấn thịt gia cầm và 8,5 tỷ quả trứng. Mức tiêu thụ này lại thấp hơn nước láng giềng là Kazakhstan. Nguyên nhân do sức mua thấp và sự khác biệt văn hóa vì món ăn ưa thích của người dân Uzbekistan đều được chế biến từ thịt bò và cừu.

* Tajikistan: Dân số 8,3 triệu người, quy mô thị trường khoảng 23.000 tấn. Lượng tiêu thụ trung bình dưới 3 kg/người/năm.

* Turkmenistan: Dân số 5,2 triệu người. Năm 2015, nhập khẩu 58.000 tấn thịt gia cầm từ Nga, Trung Quốc và Kazakhstan.

3F VIỆT (tổng hợp)