Quan ngại gà nhập khẩu
Trước thông tin Cục Thú y đề xuất cho phép nhập khẩu chính ngạch gà thịt và gà 1 ngày tuổi từ Trung Quốc và ngược lại Việt Nam xuất khẩu thịt lợn và bò sang nước này, đã có nhiều ý kiến lo ngại về điều này cũng như ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất gia cầm trong nước.
Lo ngại
Trống trơn, treo chuồng là nỗi ám ảnh hàng nghìn trang trại gà trên cả nước năm qua do không cạnh tranh được với gà nhập lậu giá rẻ. Năm 2015, ngành chăn nuôi nước ta đã phải đối diện với việc thịt gà Mỹ giá siêu rẻ (17.000 – 19.000 đồng/kg), khiến nguồn cung trong nước bị ảnh hưởng, người nuôi rơi vào cảnh khó khăn khi không tiêu thụ được sản phẩm.
Ghi nhận tình hình sản xuất và tiêu thụ gà tại các tỉnh Đông Nam bộ cho thấy, hiện giá thịt gà các loại đã giảm sâu từ đầu năm đến nay, khiến người nuôi lo lắng. Cụ thể, giá gà thịt lông màu thu mua tại trại ở vùng chăn nuôi Đồng Nai hiện là 30.000 – 31.000 đồng/kg. Trước đó một tuần, giá thịt gà lông màu chỉ ở mức 26.000 – 27.000 đồng/kg khiến người nuôi phải bù lỗ 5.000 – 6.000 đồng/kg. Trong khi, giá gà công nghiệp 26.000 – 28.000 đồng/kg. Với giá bán này, nông dân phải nuôi đạt hiệu quả cao mới mong có lãi. Nguyên nhân được đưa ra một phần là do nhu cầu thị trường sau Tết Nguyên đán có phần trầm lắng, nhiều người ăn chay, lượng công nhân làm việc tại các khu công nghiệp cũng chưa đông đủ nên nhu cầu giảm. Mặt khác, tâm lý người chăn nuôi những ngày qua đã bị ảnh hưởng bởi thông tin Cục Thú y đề xuất cho phép nhập khẩu chính ngạch gà thịt từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam.
Thống kê cho thấy, có khoảng 3 triệu tấn gà tạm nhập tái xuất mỗi năm nhưng không ít trong số đó bị thẩm lậu tiêu thụ trong nước. Do đó, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam lo ngại việc cho phép nhập gà chính ngạch Trung Quốc sẽ hợp thức hóa lượng gà nhập tái xuất bị thẩm lậu khổng lồ này. Ông Trần Công Khanh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội cho rằng, việc nhập khẩu sản phẩm gia cầm phải có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh, tránh tình trạng thương lái lợi dụng chính sách thông thương để hợp thức hóa một số sản phẩm gia cầm đông lạnh tạm nhập tái xuất từ Trung Quốc và đưa hàng lậu, hàng kém chất lượng vào Việt Nam. Tuy nhiên, điều người dân quan tâm nhất hiện nay là giải pháp nào để nhận diện được đâu là gà nhập chính ngạch, đâu là tiểu ngạch chất lượng không đảm bảo.
Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn thịt gà/năm – Ảnh: CTV
Còn ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Đông Nam bộ cho rằng, việc cho phép nhập khẩu chính ngạch sản phẩm gà từ Trung Quốc là không hợp lý. Bởi, hiện giá gà thịt và gà giống của Trung Quốc cao hơn thị trường Việt Nam 30% (gà thịt Trung Quốc tự do là 33.500 đồng/kg và 37.000 đồng/kg tại trại gia công; trong khi, tại Đông Nam bộ giá gà thịt xuất chuồng chỉ từ 20.000 – 25.000 đồng/kg). Theo đó, hàng loạt sản phẩm gia cầm không đảm bảo chất lượng sẽ được đưa vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Trọng, phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi chia sẻ, từ trước đến nay hầu hết gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vận chuyển qua biên giới theo đường tiểu ngạch, phần lớn đều không xác định được nguồn gốc, có nguy cơ mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có sự quản lý, giám sát của chuyên môn thú y. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến ngành chăn nuôi trong nước. Bởi vậy, việc cho phép nhập khẩu gà chính ngạch từ Trung Quốc sẽ giúp kiểm soát chất lượng sản phẩm; cùng đó, giúp ngành chăn nuôi gia cầm trong nước chủ động được sản xuất, đảm bảo cung cấp hàng chất lượng, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Quản lý nhà nước phải hiệu quả
Trung bình mỗi năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 1,8 triệu tấn thịt gà, trong khi, năng lực sản xuất trong nước đã đạt 3 triệu tấn/năm. Do đó, nếu gà giá rẻ được cấp phép nhập khẩu thì thiệt hại sẽ tăng lên nhiều lần cho người chăn nuôi. Không chỉ vậy, nhiều hộ chăn nuôi e ngại mầm bệnh cúm gia cầm có thể lây lan khi dịch cúm A/H7N9 vẫn chưa được kiểm soát ở một số tỉnh phía Bắc Trung Quốc.
Trước những lo ngại này, Cục Thú y, đơn vị đưa ra đề xuất này cho rằng, họ có thể xây dựng hàng rào chất lượng đối với gà nhập khẩu. Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo song phương Việt Nam – Trung Quốc về hợp tác thú y. Thực tế, nhiều năm qua gà Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu là tiểu ngạch nên cơ quan thú y 2 nước không kiểm soát được dịch bệnh và chất lượng sản phẩm. Do vậy, khi nhập khẩu qua đường chính ngạch thì vấn đề này sẽ được cải thiện, sản phẩm đến người tiêu dùng sẽ có chất lượng tốt hơn. Cùng đó, đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh và đặc biệt là những bệnh truyền lây từ động vật sang người, phải được xem xét và theo thông lệ quốc tế. Chúng ta không đưa hàng rào riêng cho nhập khẩu với Trung Quốc, mà điều kiện này nằm chung cho sản phẩm gia cầm từ các nước nhập khẩu vào Việt Nam…
Tuy nhiên, với người tiêu dùng, chất lượng của gà Trung Quốc vẫn là mối băn khoăn lớn của họ; mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng, các đối tượng nhập khẩu tiểu ngạch sẽ lợi dụng chính sách nhập gà chính ngạch để hợp thức hóa; bởi vậy nếu đã có chủ trương này thì quản lý nhà nước cần phải thực sự hiệu quả. TS Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Phát triển nông nghiệp và nông thôn cho rằng, các cơ quan chức năng cần làm tốt kiểm dịch, an toàn thú y, phát hiện những sự việc không an toàn vệ sinh thực phẩm. Tự do hóa thương mại thúc đẩy cạnh tranh trên thị trường là luật chơi phổ biến hiện nay; ngành chăn nuôi không nằm ngoài cuộc chơi, do đó cần phải bảo vệ hàng rào kỹ thuật và nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với các nước khác.
> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nhận định, đề xuất trên của Cục Thú y đang trong quá trình được Bộ xem xét, chưa có bất cứ thông tin nào về việc có được thông quan hay không.
Theo nguoichannuoi.vn