An toàn sinh học tối thiểu trong chăn nuôi gia cầm sinh sản

Để tăng “sức đề kháng” cho ngành gia cầm trước cửa hội nhập, thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tối thiểu, trong đó có gia cầm sinh sản là việc làm cần thiết – hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi và cũng là định hướng phát triển chung cho ngành.

Nguyên tắc thực hiện

An toàn sinh học (ATSH) trong chăn nuôi gia cầm là các biện pháp kỹ thuật được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại đến con người, gia súc, gia cầm và hệ sinh thái. Trong đó, có 3 nguyên tắc ATSH cơ bản bắt buộc phải thực hiện trong cơ sở chăn nuôi gia cầm là: cách ly, làm sạch và khử trùng.

Cách ly: Là khoảng cách cần thiết giữa cơ sở chăn nuôi với khu dân cư, đường giao thông, chợ; khoảng cách giữa các chuồng nuôi, các khu chăn nuôi, trạm ấp, nhà chứa thức ăn, khu tiêu hủy phân… Để ngăn chặn các tác nhân gây bệnh (mầm bệnh) bên ngoài xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi gia cầm và từ cơ sở chăn nuôi gia cầm ra ngoài môi trường. Việc cách ly là dựng và duy trì hàng rào vật lý hoặc các quy định (khoảng cách, thời gian trống chuồng, thay giày dép, áo quần…) nhằm ngăn chặn động vật bị nhiễm bệnh hoặc các vật dụng, trang thiết bị, dụng cụ bị ô nhiễm xâm nhập vào khu vực chăn nuôi và ngược lại. Khi cách ly tốt sẽ có khả năng ngăn chặn được hầu hết sự lây nhiễm.

an toàn sinh học tối thiểu trong chăn nuôi gia cầm - chăn nuôi

Con giống chất lượng nhờ kiểm soát ATSH – Ảnh: CTV

Làm sạch và khử trùng là hai việc quan trọng trong quá trình thực hiện an toàn sinh học cho đàn gia cầm sinh sản. Trong đó, làm sạch là để loại bỏ tất cả bụi bẩn và các chất hữu cơ chứa tác nhân gây bệnh bám trên bề mặt các dụng cụ, thiết bị, sàn, tường và trần nhà. Việc vệ sinh làm sạch đúng cách sẽ có khả năng loại bỏ đến 80% các tác nhân gây bệnh.

 Khử trùng:  Để tiêu diệt các tác nhân gây bệnh còn lại sau khi đã tiến hành vệ sinh làm sạch. Việc khử trùng chỉ đạt được hiệu quả sau khi đã làm vệ sinh tốt và đảm bảo sự phù hợp của chất khử trùng, tỷ lệ pha, sử dụng đúng cách. Đảm bảo thời gian tiếp xúc của chất khử trùng với bề mặt cần khử trùng tối thiểu 10 phút. Các bước thực hiện vệ sinh, khử trùng chuồng trại gồm:

Bước 1: Chuyển hết toàn bộ gia cầm (nếu có) ra khỏi khu vực cần vệ sinh sau đó thu gom toàn bộ chất thải, rác thải. Dùng chổi, bàn chải, xẻng, hay khí nén để loại bỏ bụi, đất và các chất hữu cơ khô trên bề mặt thiết bị, dụng cụ, và chuồng nuôi.

Bước 2: Dùng bột giặt/xà phòng và nước làm ướt thiết bị, dụng cụ và diện tích cần vệ sinh và cọ rửa để loại trừ các chất hữu cơ cũng như bùn đất và chất nhờn (chỉ áp dụng đối với những thiết bị, dụng cụ và nền chuồng rửa được).

Bước 3: Để khô bề mặt thiết bị, dụng cụ, và chuồng nuôi.

Bước 4: Phun khử trùng lên toàn bộ bề mặt cần khử trùng với nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất và liều lượng là 3 lít dung dịch đã pha phun khử trùng cho 10 m2(theo hướng dẫn của Cục Chăn nuôi).

Yêu cầu về ATSH tối thiểu

Đối với ATSH tối thiểu áp dụng cho chăn nuôi gia cầm sinh sản, cần lưu ý những yêu cầu sau: Về cơ sở hạ tầng và vật tư thiết bị chuồng trại: Khu vực chăn nuôi gia cầm phải đảm bảo sự cách ly giữa vật nuôi và nơi ở của người và động vật khác bằng hàng rào bao quanh hoặc nơi biệt lập hoặc được nuôi nhốt hoàn toàn trong chuồng. Địa điểm xây dựng chuồng trại phải cách xa nhà ở và khu dân cư, đối với các trang trại chăn nuôi thì khoảng cách tối thiểu là 500 m, cách đường quốc lộ 1.000 m, cách chợ 3.000 m, có tường rào bao quanh, chiều cao tối thiểu khoảng 2 m. Các cơ sở hành chính của trại phải cách biệt khu chăn nuôi.

Có các khu vực chăn nuôi riêng từng lứa tuổi gia cầm nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan từ đàn này sang đàn khác. Cơ sở chăn nuôi nên nuôi duy nhất một đàn trong cùng một thời gian (cùng vào cùng ra) hoặc nếu có nhiều đàn trong cùng một thời gian thì phải có các khu vực tách biệt nuôi gia cầm con, gia cầm hậu bị va` gia cầm sinh sản; Có nơi để thức ăn chăn nuôi, chất độn chuồng sạch, dụng cụ, hóa chất khử trùng riêng biệt; Có máng ăn, máng uống bằng vật liệu phù hợp, dễ vệ sinh; Có ổ đẻ hoặc bố trí khu vực riêng để gia cầm đẻ trứng; Có tủ xông khử trùng để khử trùng trứng giống; Có nơi để rửa tay bằng xà phòng; nơi thay giày dép và bảo hộ trước khi vào, ra cơ sở chăn nuôi; nơi thu gom và xử lý chất thải.

Về đàn gia cầm giống sinh sản: Không nên sử dụng gia cầm thương phẩm làm giống bố mẹ; Giống gia cầm có nguồn gốc từ đàn gia cầm sinh sản khỏe mạnh và được tiêm phòng đầy đủ; Đàn gia cầm sinh sản trong giai đoạn đẻ trứng đảm bảo khỏe mạnh, không bị mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (Bao gồm các bệnh là cúm gia cầm độc lực cao, Niu cát xơn, Gumboro, dịch tả vịt, viêm gan vịt, và các bệnh mới xuất hiện do Bộ NN&PTNT công bố) và được phòng vaccine đầy đủ theo quy trình giống.

Về chăm sóc, nuôi dưỡng: Yêu cầu thức ăn cho gia cầm phải đủ dinh dưỡng phù hợp với từng giống, từng giai đoạn nuôi. Thức ăn phải được bảo quản nơi khô ráo, sạch sẽ, bảo đảm không bị ẩm mốc, quá hạn sử dụng, nhiễm khuẩn, độc tố, không ôi chua và không quá hạn sử dụng… Nước cho gia cầm uống là nước dùng được cho người tại địa phương.

Yêu cầu vệ sinh thú y: Trước khi vào khu vực chăn nuôi tất cả mọi người phải rửa tay bằng xà phòng hoặc nước khử trùng, đồng thời mặc quần áo bảo hộ và thay giày dép; Chuồng nuôi và ổ đẻ hoặc nơi đẻ trứng của gia cầm cần được thông thoáng, khô và được bổ sung đệm lót thường xuyên;  Máng ăn, máng uống phải được vệ sinh thường xuyên sạch sẽ; Tất cả các phương tiện vận chuyển không được vào khu vực chăn nuôi. Khi cần thiết vào khu vực chăn nuôi, phương tiện phải được rửa, khử trùng trước, sau khi vào, ra khu vực chăn nuôi; Cần có biện pháp diệt chuột, côn trùng an toàn hiệu quả. Nếu sử dụng hóa chất thì phải theo khuyến cáo của nhà sản xuất và chỉ sử dụng hóa chất được phép lưu hành tại Việt Nam.

Về xử lý chất thải: Cơ sở có biện pháp xử lý chất thải như gia cầm chết, trứng hỏng, rác, phân và chất độn chuồng đã qua sử dụng một cách an toàn; Kết thúc mỗi đợt nuôi, chất thải phải được thu gom, quét dọn, vệ sinh, làm sạch, tiêu độc khử trùng toàn bộ dụng cụ, thiết bị, chuồng nuôi và môi trường xung quanh. Sau đó để trống chuồng ít nhất hai tuần trước khi nuôi đàn mới. Xử lý phân và gia cầm chết thành phân bón bằng phương pháp nhiệt sinh học nhằm giảm thiểu nguy cơ lây truyền các mầm bệnh ra môi trường là giải pháp an toàn, rẻ tiền và thân thiện với môi trường.

Về ghi chép sổ sách: Ghi chép theo dõi nguồn gốc giống gia cầm về giống; số lượng; phẩm cấp giống (dòng thuần, ông bà, bố mẹ, thương phẩm); ngày bắt đầu nuôi; ngày kết thúc. Đồng thời, ghi chép hàng ngày về tiêu thụ thức ăn, sản lượng trứng, số lượng gia cầm chết, thuốc thú y, vaccine sử dụng và tình trạng sức khỏe của đàn gia cầm; Ghi chép xuất bán sản phẩm.

Sử dụng vaccine: Sử dụng đầy đủ các loại vaccine bệnh truyền nhiễm như dịch tả, Gumboro… theo đúng quy trình cho các loại gia cầm. Lịch trình dùng vaccine theo từng loại gia cầm riêng biệt và theo hướng dẫn của bác sỹ thú y hoặc tham khảo lịch trình kèm theo cho gà, ngan, vịt. Chỉ sử dụng vaccine cúm gia cầm khi có hướng dẫn của Cục Thú y.

Đối tượng áp dụng là các cơ sở chăn nuôi gà, vịt, ngan sinh sản chưa đạt tiêu chí kinh tế trang trại quy định tại Thông tư số 27/2011/TT-BNNPTNT ngày 13/4/2011 của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.    

Nguồn: nguoichannuoi.vn